Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì? Tầm quan trọng của ngành logistics

Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành quản lý mạng lưới kết nối của các doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. Đây là một trong những ngành quan trọng, không thể thiếu trong guồng quay kinh tế. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về khối ngành này ngay sau đây.

Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì?

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (tiếng anh là Logistics and Supply Chain Management) là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ngành này cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hệ thống kinh doanh của một doanh nghiệp, giúp người quản trị có thể hoạch định chiến lược phát triển sản xuất hiệu quả nhất và phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Trọng tâm của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là cung cấp sản phẩm và dịch vụ đúng thời điểm và địa điểm, đúng chi phí, đúng số lượng và chất lượng.

Đến thời điểm này, không ít bạn vẫn còn mơ hồ giữa quản trị logistics và quản trị chuỗi cung ứng là một. Thực tế thì hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Để hiểu logistics là gì thì đầu tiên chúng ta chắc chắn rằng logistics chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu là một phần nhỏ của logistics.
Chuỗi cung ứng có 3 dòng chảy chính:

  • Dòng tài chính hay dòng tiền
  • Dòng thông tin
  • Dòng hàng hoá

Logistics có nhiệm vụ chính là đảm bảo rằng dòng hàng hóa trong chuỗi cung ứng diễn ra một cách đúng – đúng ở đây là gì? Tôi sẽ giải thích bên dưới.

1. Định nghĩa ngành logistics

  • Logistics là môn khoa học nghệ thuật của việc thu mua, sản xuất và phân phối nguyên vật liệu hay sản phẩm đến đúng nơi và đúng thời điểm.
  • Quản trị logistics có nhiệm vụ:
  • Lên kế hoạch, triển khai, điều hành và kiểm soát tính hiệu quả của forward logistics và reverse logistics. Ở đây tôi không sử dụng logistics xuôi hay logistics ngược vì hai từ này chưa thể hiện rõ bản chất của nó.
  • Lưu trữ hàng hoá, kết nối thông tin giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường

2. Mục tiêu

  • Phản hồi nhanh
  • Tối thiểu sai số
  • Tối thiểu chi phí tồn kho
  • Tổng hợp lô hàng
  • Chất lượng dịch vụ cao
  • Hỗ trợ luân chuyển vòng đời sản phẩm – reverse logistics

3. Sự khác nhau giữa logistics và chuỗi cung ứng

Logistics:

  • Sự vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng
  • Tăng trải nghiệm khách hàng với 7 tiêu chí đúng

Chuỗi cung ứng:

  • Biến đổi nguyên liệu thành sản phẩm và phân phối đến người tiêu dùng
  • Tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

4. Bảy đúng trong logistics ( Seven 7R’s)

Như đã nói ở trên, logistics có nhiệm vụ đảm bảo dòng hàng hóa trong chuỗi cung ứng diễn ra 1 cách đúng, bao gồm 7 đúng sau đây:

  • Đúng sản phẩm – Right product
  • Đúng khách hàng – Right customer
  • Đúng số lượng – Right quantities
  • Đúng điều kiện – Right condition
  • Đúng nơi – Right place
  • Đúng thời gian – Right time
  • Đúng giá trị – Right cost

5. Hoạt động logistics

  • Inbound logistics: một trong những quy trình chính của logistics. Tập trung vào việc thu mua và vận chuyển nguyên vật liệu, bán thành phẩm từ nhà cung cấp đến nơi sản xuất.
  • Outbound logistics: quá trình vận chuyển sản phẩm đến trung tâm phân phối, nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng.
  • Reverse logistics: hoạt động tái sử dụng sản phẩm, vật liệu dư thừa hoặc bị trả lại nhằm thu lại giá trị hoặc loại bỏ hợp lý.
  • Green logistics: một xu hướng mới nhằm giảm thiểu tác động xấu lên môi trường của hoạt động logistics.

6. Logistics thuê ngoài

  • Là loại hình dịch vụ logistics khi doanh nghiệp thuê các công ty logistics để xử lý các chức năng khác nhau trong chuỗi cung ứng của mình.
  • 1PL – First party logistics: doanh nghiệp tự cấp dịch vụ logistics bằng cơ sở vật chất của mình
  • 2PL – Second party logistics: cung cấp dịch vụ nhưng chỉ đảm nhận một khâu trong chuỗi logistics. Quản lý các hoạt động truyền thống như vận tải, kho vận, thủ tục hải quan, thanh toán,…
  • 3PL – Third party logistics: thuê các công ty bên ngoài để hay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics. Có thể là toàn bộ quá trình quản lý logistics hoặc chỉ là một số hoạt động có chọn lọc.
  • 4PL – Fourth party logistics: được phát triển trên nền tảng của 3PL nhưng bao gồm lĩnh vực hoạt động rộng hơn. Gồm các hoạt động của 3PL, các dịch vụ công nghệ thông tin, và quản lý các tiến trình kinh doanh.
  • 5PL – Fifth party logistics: là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử, bao gồm các 3PL và 4PL quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử.

Tầm quan trọng của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

1. Vai trò đối với các doanh nghiệp

Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics cũng như Viện nghiên cứu logistics của Mỹ cho biết, chi phí cho hoạt động logistics chiếm tới khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, con số này ở các nước đang phát triển thì cao hơn khoảng 15-20%.

Có thể thấy, logistics và quản lý chuỗi cung ứng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể:

–  Tiết kiệm và giảm thiểu các chi phí phát sinh trong hoạt động lưu thông phân phối

–  Gia tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giao nhận, biến họ từ những người kinh doanh các dịch vụ vận tải đơn giản trở thành những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp

–  Trở thành chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa đến các thị trường quốc tế, logistics có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác và mở rộng thị trường kinh doanh cho doanh nghiệp

–  Giảm chi phí, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế. Các phần mềm logistics hiện nay sẽ giúp hạn chế đến mức tối đa chi phí cho giấy tờ, chứng từ trong vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

2. Vai trò đối với nền kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế thế giới đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với các tiến bộ vượt bậc về khoa học-công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa. Điều này mang đến không ít cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên gay gắt và khốc liệt hơn, chính vì vậy mà ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng dần khẳng định được vị thế và có tiềm năng tăng trưởng to lớn, trở thành một trong những công cụ cạnh tranh đắc lực của Việt Nam trong việc tiếp cận và phát triển các giao dịch quốc tế.

Phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại nguồn lợi khổng lồ cho nền kinh tế đất nước. Đối với những nước phát triển như Mỹ và Nhật, logistics đóng góp khoảng 10% GDP. Đối với những nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể cao hơn 30%. Khi logistics phát triển sẽ thúc đẩy các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và giao dịch quốc tế diễn ra dễ dàng hơn, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất ra quốc tế, mang lại nguồn lợi nhuận lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hơn thế nữa, logistics phát triển sẽ kéo theo rất nhiều các ngành khác phát triển như thương mại quốc tế, bảo hiểm, đóng tàu, hàng không… góp phần nâng cao vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế.

Thực trạng nguồn nhân lực logistics Việt Nam

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng hiện tại, nguồn năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách, mặc dù đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Do phát triển nóng nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu, chất lượng lại vừa yếu. Sự khó khăn này ngày càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong những năm tới, nhu cầu về lao động có tay nghề cao trong ngành dịch vụ logistics dự kiến ​​sẽ tăng trưởng đáng kể. Hiện nguồn cung lao động có kỹ năng cho ngành chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế của ngành.

Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh thực hiện, 53,3% doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm. Ngoài ra, 30% doanh nghiệp yêu cầu đào tạo lại đội ngũ nhân viên của họ. Để cung cấp nguồn nhân lực bền vững và chất lượng cho ngành, các trường đại học ở Việt Nam nên cung cấp các chương trình đào tạo toàn diện, có hệ thống và mô phỏng thực tế để người học có cơ hội cọ sát với nghề.

Những địa phương có tiềm năng phát triển dịch vụ cảng biển và logistics như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng…nên chú trọng huấn luyện đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực xây dựng chính sách và biện pháp, tổ chức và quản lý các trung tâm logistics hiện đại.